Chi họ Phạm Bá: Phái hệ từ Thanh Hóa, có 3 anh em vào cư trú tại làng Vĩnh Luật (nay là Mai Phụ - Lộc Hà - Hà Tĩnh).
Sau đó cụ Hoàng Thủy Tổ Phạm Tướng Công hiệu Phúc Nền ở lại lập nên chi họ Phạm Bá, tộc trưởng hiện nay là Phạm Bá Giáo.
Kính thưa BLL Hội đồng Mạc Tộc Việt Nam,
Kính thưa BLL Hội đồng Mạc Tộc Hà Tĩnh,
Kính thưa quý ông bà, chú mự, o dượng cùng toàn thể con cháu nội ngoại trong dòng họ Phạm Bá, xã Mai Phụ - huyện Lộc Hà – tỉnh Hà Tĩnh.
Tổ Tiên dòng họ Phạm Bá của chúng ta có nguồn gốc từ dòng họ Mạc – nơi phát tích là làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương).
Phát triển đến đời thứ 6 thì có 2 Trạng Nguyên là: Trạng Nguyên Mạc Hiển Tích (năm 1086), được phong làm Hàn Lâm Học Sỹ, làm quan đến chức Thượng Thư và em trai ngài là Trạng Nguyên Mạc Hiển Quan (năm 1089), làm quan Thượng Thư Bộ Công dưới thời vua Lý Nhân Tông.
Đến đời thứ 11 thì có Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đỉnh Chi (năm 1304)- là vị Trạng Nguyên duy nhất của nước ta được vinh danh là Trạng Nguyên của 2 quốc gia: Việt Nam và Trung Quốc. Ngài làm quan đến chức Đại Liêu Ban Tả Bộ Xã (Tể Tướng ~ Thủ Tướng thời nay). Ngài phụng sự dưới 3 đời vua: Trần Nhân Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiển Tông.
Từ đấy về sau con cháu nối tiếp nhau làm nên sự nghiệp vẽ vang của dòng họ. Đặc biệt đến đời thứ 23, Nhà Mạc lên ngôi thay Nhà Lê trị vì đất nước do Vua Thái Tổ Mạc Đăng Dung đặt nền móng (năm 1527). Truyền được 8 đời Vua, trị vì đất nước hơn 160 năm, Nhà Mạc đã tổ chức được 22 khoa thi, chọn được 485 Tiến Sỹ và 13 Trạng Nguyên, tiêu biểu như: Trạng Nguyên Nguyễn Thiến, Nguyễn Bỉnh Khiêm…; góp phần to lớn trong việc xây dựng thể chế Nhà nước, phát triển văn hóa, kinh tế và đời sống của nhân dân.
Đến những năm 70 của thế kỷ 17, với biến cố lịch sử của đất nước, con cháu họ Mạc phải phân tán khắp nơi, phải mai danh ẩn tích, phải thay tên đổi họ nhưng vẫn ngầm ước hẹn với nhau sẽ có một ngày đoàn tụ:
“Tứ bách niên, tiền chung phục thủy
Thập tam thế, hậu dị nhi đồng”
Có nghĩa là Tổ tiên ta thề hẹn với nhau: 400 năm trước cùng chung 1 Tổ, 13 đời sau tuy khác họ nhưng vẫn chung 1 cội nguồn.
Đúng như lời ước hẹn, hậu duệ 13 đời sau trên mọi miền Tổ quốc đã sum vầy về cội nguồn họ Mạc tại Nam Sách, Hải Dương để nhận họ, hàng, chú, bác, anh, em...
Theo sử sách và gia phả của dòng họ ghi lại thì từ Hải Dương, Tổ tiên ta vào Thanh Hóa, sau đó có 3 anh em đến làng Vĩnh Luật là ông Trụ Trạch, ông Phúc Nền và ông Hiển Công đều làm quan Đại Tướng Quân trong Triều Đình. Để tránh sự truy đuổi đến cùng của Nhà Lê - Trịnh, các ông phải đổi thành họ Phạm Bá. Sau đó ông Trụ Trạch vào vùng Tuyên Hóa – Quảng Bình, ông Phúc Nền ở lại làng Vĩnh Luật, còn ông Hiển Công lên vùng Hương Khê – Hà Tĩnh.
Hoàng Thỉ Tổ Phúc Nền đặt nền móng cho con cháu dòng họ Phạm Bá ở làng Vĩnh Luật phát triển đến đời thứ 6 có Thần Tổ Câu Kê – Phạm Tôn Tuyển. Ngài là một vị Tướng Công thời vua Lê Trung Hưng được nhà vua phong “Phụ Quốc Tướng Công” và cử vào Nam đánh dẹp quân Chiêm Thành, có nhiều chiến công hiển hách nên được triều đình tấn phong “Trung Đẳng Thần” năm 1891. Bảy năm sau, Ngài tiếp tục được Phong Quang Ý Dực Bảo Trung Hưng “Thượng Đẳng Thần” vào năm Mậu Tuất 1898. Với uy danh của Ngài, nhân dân trong vùng lập Miếu thờ Ngài và tôn vinh Ngài là Thành Hoàng Làng. Năm 1920, thể theo nguyện vọng của con cháu trong dòng họ Phạm Bá, chúng ta đã xây dựng 3 tọa Đền thiêng để thờ Ngài tại xóm Hợp Tiến ngày nay. Ghi nhận công lao to lớn của Ngài, đến năm 2007, Đền thờ Ngài được Nhà nước xếp hạng “Di Tích Văn Hóa – Lịch Sử cấp Tỉnh”.
Từ những buổi ban đầu ấy đến nay đã gần 400 năm, từ một vị Hoàng Thỉ Tổ đến nay đã truyền được 17 thế hệ, phân chia thành 7 chi họ với hơn 250 hộ sống ở quê nhà và gần 100 hộ sống ở trên mọi miền Tổ quốc và Thế giới; toàn họ có hơn 1000 nhân khẩu. Đúng là “ Đất lành chim đậu”, con cháu họ Phạm Bá đã hòa nhập rất nhanh với bà con làng xã trong làm ăn, sinh sống, xây dựng quê hương. Đã đóng góp cho đất nước nhiều thành tích giá trị có ý nghĩa Văn hóa – Lịch sử to lớn. Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ xã Mai Phụ ghi lại, trong thời kỳ chống Pháp, sau ngày thành lập Đảng năm 1930, Tổng Vĩnh Luật thành lập chi bộ Đảng hoạt động bí mật. Để giúp đỡ cán bộ cách mạng, “Ban Nghĩa Thương” được thành lập, cụ Phạm Bá Huyên – đời thứ 11, chi thứ 4 của dòng họ làm thủ quỹ, bí mật vận động quyên góp ngân quỹ cho cách mạng. Hòa chung dòng chảy của công cuộc kháng chiến cứu quốc, các thế hệ ông cha trong dòng họ đã hăng hái tham gia dân công hỏa tuyến giai đoạn 1951-1954, tham gia hoạt động cách mạng, tòng quân nhập ngũ. Tiêu biểu có bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Xướng – mẹ liệt sỹ Phạm Bá Lưu. Và đã có hàng trăm người con tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và có 13 liệt sỹ ngã xuống vì nền độc lập dân tộc. Nhiều người trong dòng họ tham gia hoạt động Chính Trị nắm giữ nhiều vị trị quan trọng, chủ chốt qua các thời kỳ như Cụ Phạm Bá Sờng là cán bộ tiền khởi nghĩa.
Phát huy truyền thống vẽ vang đó, các thế hệ con cháu ngày nay đã ra sức phấn đấu, vươn lên để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, trên mọi lĩnh vực: văn hóa - giáo dục, kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng. Tính đến nay, trong dòng họ hơn 9 cán bộ cấp cao, 2 Tiến sĩ, 10 thạc sỹ và hơn 300 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Những kết quả đó đã góp phần tô thắm trang sử vẽ vang của dòng họ Phạm Bá trên quê hương Mai Phụ anh hùng.