CHÍNH THỨC: Đền thờ Phạm Tôn Tuyển được công nhận là di tích lịch sử quốc gia

Ngày 29/12/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 4243/QĐ-BVHTTDL, xếp hạng đền thờ Phạm Tôn Tuyển, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà là di tích lịch sử quốc gia.

#

Văn bản quyết định về việc xếp hạng di tích lịch sử quốc gia - Đền thờ Phạm Tôn Tuyển

Phạm Tôn Tuyển thuộc đời thứ 6 dòng họ Phạm Bá, tên huý là Miến, tên chữ Phạm Tôn Tuyển, sinh vào năm Ất Hợi (1695). Năm Quý Tỵ (1713), Phạm Tôn Tuyển gia nhập quân đội nhà Lê - Trịnh, con đường binh nghiệp ban đầu của ông là theo Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc tham gia chiến trận từ Bắc đạo, Hưng Hóa đến Sơn Nam, lập được công lao góp phần ổn định triều chính nên vua Lê Hiển Tông đã ban sắc phong cho ông chức Đội trưởng đội Tiệp Hậu. Sau một thời gian chinh chiến ngoài biên ải, Phạm Tôn Tuyển được tiến cử vào làm việc trong Phủ Liêu (phủ Chúa Trịnh), đây là một đặc ân đối với ông, bởi Phạm Tôn Tuyển được biết đến là có người có tài trí và kinh nghiệm quản lý binh lương trong quân đội. Phạm Tôn Tuyển giữ chức Câu kê - một chức văn quan trong Lục Phiên ở phủ Chúa, nhưng ông được tặng thưởng hàm Chánh nhất phẩm bên ngạch võ là Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, cùng tước phong là Thần Thọ bá (thuộc Ngũ đẳng đứng sau tước Công, Hầu và trên tước Tử, tước Nam). Qua chức vụ và phẩm hàm cho biết Phạm Tôn Tuyển phải là người lập được công lao trong chiến trận và có nhiều đóng góp nên mới được ban thưởng Tước và Hàm cao như vậy. Tại đền thờ đang lưu giữ bài vị thờ Phạm Tôn Tuyển có nội dung: "Tiên tổ khảo tiền Lê triều, Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Khâm thụ Câu kê, Thần thọ Bá, Phạm tướng công gia phong Dực bảo trung hưng Thượng đẳng tôn thần".

Qua tư liệu đã phác họa những nét chính về thân thế và sự nghiệp của Phạm Tôn Tuyển, tuy chưa thực sự nổi bật về tất cả các lĩnh vực, song những nội dung trên đã phản ánh hành trạng của một võ quan triều đình cầm quân xông pha nơi chiến trận và một vị quan văn mẫn cán với công việc trong Phủ Chúa. Dù ở vị trí nào trong triều hay ngoài trấn, cuộc đời sự nghiệp của Phạm Tôn Tuyển luôn là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tận trung, tận hiếu phục vụ triều đình và đất nước, xứng đáng được tôn vinh, ghi nhận.

Sau khi về quê trí sĩ, Phạm Tôn Tuyển là người đã góp công giúp dân khai khẩn đất đai, đắp đê ngăn mặn, mở rộng ruộng đất canh tác góp phần tạo thuận tiện cho dân cư trong vùng giao thương buôn bán với các vùng khác, xoá bỏ sự ngăn cách sông nước tồn tại lâu đời ở vùng bãi Ngang. Do đó, để tri ân, tưởng nhớ công đức của Phạm Tôn Tuyển đối với quê hương, nhân dân Mai Phụ đã thờ ông tại đình làng Vĩnh Phúc, hàng năm tổ chức tế lễ rất chu đáo, trọng thể theo nghi thức thờ thành Hoàng làng. Ngoài ra, Phạm Tôn Tuyển còn được thờ tại miếu Nhà Quan được xây dựng để thờ phụng các vị quan võ người làng Mai Phụ có công với đất nước. Trong miếu Nhà quan trước đây có nhiều đồ tế khí, long ngai, bài vị của Đặc tiến phụ quốc tướng quân Phạm Tôn Tuyển và Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân Nguyễn Xứng được dân làng cung tiến và thờ chung.

           Dưới thời nhà Nguyễn, ghi nhận công lao của Phạm Tôn Tuyển với đất nước và những ảnh hưởng của ông trong đời sống văn hóa tinh thần đối với nhân dân địa phương, vua Khải Định đã ban hai đạo sắc gia phong vào các năm 1917 và 1924 cho Phạm Tôn Tuyển thăng thưởng từ Quang ý Trung đẳng thần lên Trác vĩ Thượng đẳng tôn thần và giao cho dân làng thờ phụng theo điển lệ quốc tế. Qua nội dung hai đạo sắc phong do triều Nguyễn phong thần cho Phạm Tôn Tuyển - một nhân vật lịch sử thuộc triều Lê, cho thấy đó là sự ghi nhận, đánh giá rất cao vai trò, công trạng của ông đối với đất nước, quê hương. Một chỉ dụ năm Gia Long thứ 3 (1804) quy định việc ban sắc phong cho các nhân thần thuộc triều đại trước như sau: “Các nhân thần đời Lê trở về trước, lúc sinh thời giữ lòng trung làm việc nghĩa, có công đức rõ rệt, sau khi mất đi, trừ tai ngăn nạn vẫn nổi tiếng thiêng liêng, đã có sắc tặng của triều Lê thì ban tặng mỹ tự các hạng Thượng, Trung, Hạ đẳng thần”.

            Phạm Tôn Tuyển là nhân vật lịch sử có công tích được triều Lê ban sắc, nhân dân lập đền thờ và tôn làm phúc thần của làng, điều đó cho thấy với sự tôn kính, trọng thị và vai trò, ảnh hưởng của ông trong đời sống tinh thần đối với nhân dân địa phương từ xưa đến nay rất sâu sắc. Điều đó đúng như nội dung khắc trên câu đối treo tại đình làng Vĩnh Phúc xưa: “Sinh vi tướng, tử vi thần cốt cách người họ Phạm. Trung với vua, giúp nước dưới thời Hậu Lê”.

Như vậy, tính đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 87 di tích quốc gia và 560 di tích cấp tỉnh.